Bài trí nội thất: Tính trước để làm sau

Khi tiếp xúc và tư vấn với khách hàng, chúng tôi thường thấy gia chủ băn khoăn sợ làm nhà xong mà thấy không ưng ý, hay nhà sử dụng một thời gian rồi cứ muốn sửa lại thì làm sao? Thực chất đây là chuyện bài trí nội thất nên tính trước sau như thế nào để chủ động và kiểm soát tốt trong quá trình làm nhà.

Có một nếp nghĩ chưa thể thay đổi của một số chủ nhà là xem nhẹ việc bố trí , chọn lựa vật dụng nội thất ngay từ đầu. Phần xây dựng và hoàn thiện thường tính từ khi kết thúc phần ốp lát và sơn nước , còn sắp xếp đồ đạc thế nào là do gia chủ quyết định. Sau này khi căn nhà đưa vào sử dụng một thời gian gia chủ lại thấy bộ rèm cửa bị “chói” quá, bộ ghế salon không hợp….nhưng rất khó thay đổi do nhiều nguyên nhân như đồ cũ dùng lại, đồ mới không hợp mà gia chủ tự kê vào . Việc bài trí nội thất cho ngôi nhà từ trước đến nay vẫn thường được giao phó cho chủ nhà và phụ thuộc rất nhiều vào thói quen và sở thích của gia chủ. Thói quen phổ biến là trưng bày vật dụng quá nhiều. Tất nhiên , quá trình sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu các vật dụng , nhưng nếu thử quan sát ta sẽ thấy nhiều vật dụng có hiệu suất sử dụng thấp, hoặc không được coi sóc thường xuyên dẫn đến thành vật thừa. Ví dụ : Các mảng trang trí cố định : nhiều nhà treo tranh ảnh hoặc đục hốc âm trên tường rất nhiều rồi quên chăm sóc chúng, khiến bụi bặm tích tụ gây mất vệ sinh và phản cảm. Giới sưu tập có kinh nghiệm đã đúc kết: cách bảo quản tranh ảnh, đồ vật tốt nhất là “thăm nom” chúng thường xuyên, có sức chơi thì phải có sức chịu, ở đây là chịu khó xem xét, ngắm nghía, chịu khó kiểm tra, phát hiện các “bệnh tật” của vật dụng (bị ẩm, mốc, gỉ sét…) giúp gia chủ có thể chỉnh sửa kịp thời cũng như tìm ra vị trí thích hợp hơn cho vật dụng mà có thể lúc ban đầu chỉ bố trí theo cảm tính.

noi-that-dep-1

Một thói quen khác của gia chủ là hay đặt vật dụng “bám” theo các vách tường nhà. Điều này làm nên nhiều góc khuất khó tiếp cận và khiến cho nhiều vật dụng không được khai thác đúng mức mặt sau, mặt bên. Ví dụ một bộ bàn ăn sáu ghế khi kê sát tường thì chỉ còn ngồi được năm hoặc bốn chỗ. Hoặc một căn phòng vuông vức nhưng khi kê đồ vào thì thành ra khó đi lại và dễ va chạm vào góc cạnh đồ đạc. Nếu khéo giảm vật dụng trong nhà ở mức vừa đủ dùng sẽ thấy rằng không gian luôn thoáng rộng và cân bằng hơn, vì các góc âm (như sau lưng ghế salon, gầm cầu thang…) có thể tiếp cận, dọn dẹp được. Bố trí ánh sáng, ổ cắm, công tắc, thiết bị điện… từ đó cũng thuận lợi hơn.

bo-tri-noi-that-1

Một thói quen nữa là các chủ nhà hay làm mất đồng bộ về nội thất, hoặc ngược lại, dùng quá cực đoan một loại vật liệu, màu sắc nào đó. Ở thái cực thứ nhất, ngôi nhà trở nên “hỗn loạn” vì có nhiều màu sắc không hợp với nhau, thiếu sự thống nhất phong cách, thấy ở đâu có cái gì hay là áp dụng vào nhà mình. Còn thái cực thứ hai lại đem đến kết quả theo kiểu ngôi nhà chỉ toàn một màu nào đó (ví dụ, có chủ nhà cho rằng mình mạng hoả nên phải dùng toàn màu đỏ mới hợp), trong khi ta biết về dịch lý thì ngũ hành luôn cần hài hoà bổ sung cho nhau, không nên thiên lệch hành nào quá mức. Một ngôi nhà toàn vật dụng gỗ đắt tiền có thể vừa đem lại sự ấm cúng nhưng vừa tạo nên cảm giác ngột ngạt nặng nề do màu gỗ sậm vây kín quanh không gian (thường nhà thuần gỗ sẽ hợp với phong cách quán xá, khách sạn hay resort hơn).

bo-tri-noi-that-2

Có nhà làm một kiểu nhưng khi sử dụng lại không đúng chức năng của không gian thiết kế ban đầu, như bố trí ăn trong phòng khách, ngủ trong bếp, học dưới gầm cầu thang… Điều này dẫn đến các bất tiện và biến dạng tính chất không gian, lâu ngày khiến ngôi nhà trở nên lộn xộn và ảnh hưởng xấu đến người cư ngụ. Thực ra, học dưới gầm thang hay ngủ trong bếp không phải là điều gì xấu, vấn đề là có được tính toán – thiết kế, bố trí từ ban đầu hay không? Có thể thấy các căn hộ chung cư được thiết kế nội thất hoàn chỉnh sẽ “bắt buộc” chủ nhà tuân thủ theo phong cách nhất quán, do vậy chủ động từ đầu các giải pháp kỹ thuật và nội thất tương ứng, nơi ở có thể kết hợp đa năng nhưng không lộn xộn bừa bộn.

bo-tri-noi-that-3

Nhập gia tuỳ tục, cha ông ta từ xưa đã dạy vậy như một ẩn ý về thái độ ứng xử linh hoạt, tuỳ từng trường hợp cụ thể, và những “tục” – tức thói quen, nếp ở của mỗi nhà cũng có khá nhiều khiếm khuyết mà không phải ai “nhập gia” cũng thấy thoải mái. Vì vậy, không thể có sự sao chép hình mẫu nội thất nhà khác sang nhà mình, cũng như không nên để đến khi nhà làm xong mới dạo chợ mua đồ kê vào, mà cần có sự tính toán từ đầu với nhà thiết kế để xác định kích thước, kiểu dáng, phong cách và chất liệu nội thất. Sau đó cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt cách bố trí vật dụng và giữ sự hài hoà, vừa phải khi mua sắm, sắp xếp, để không làm biến đổi nội thất quá nhiều.