Giấy phép xây dựng (GPXD) là điều kiện cần và đủ để chủ đầu tư và nhà thầu có được quyết định về diện tích xây dựng nhà ống 2 tầng, nhà 3 tầng, căn hộ dịch vụ,… và các hạng mục được phép xây dựng. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công chỉ được phép khởi công xây dựng khi đã có đủ các điều kiện theo quy định cấp phép xây dựng.
1. Khái niệm giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng (GPXD) là một loại giấy tờ của cơ quan nhà nước (theo mẫu mã nhất định) xác nhận việc cho phép cá nhân, tổ chức được phép thực hiện việc xây dựng nhà cửa, công trình…. theo nguyện vọng trong phạm vi nội dung được cấp phép. Nó là một công cụ để tổ chức thực thi quy hoạch xây dựng đô thị đã được thông qua, qua đó có thể xác định người dân xây dựng đúng hay không đúng quy hoạch.
– Theo Luật xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020, phân theo nội dung thì giấy phép xây dựng gồm:
+ Giấy phép xây dựng mới;
+ Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
+ Giấy phép di dời công trình.
– Phân theo thời hạn thì giấy phép xây dựng được chia làm 2 loại đó là:
+ Giấy phép xây dựng có thời hạn: Loại giấy phép này được cấp cho các dự án xây dụng công trình, các loại công trình nhà ở, nhà dân có thời hạn sử dụng nhất định theo kế hoạch thực hiện.
+ Giấy phép xây dựng được cấp theo giai đoạn: Loại giấy phép xây dựng này được cấp phép đối với từng phần nhỏ của các công trình xây dựng hoặc là đối với từng công trình xây dựng của các dự án xây dựng trong quá trình thiết kế xây dựng của những dự án chưa được hoàn thiện xong.
2. Quy định cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ
Theo quy định cấp phép xây dựng của pháp luật hiện hành, trước khi khởi công xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ (gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời công trình), chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Để được cấp giấy phép xây
dựng, các công trình này phải thỏa mãn các điều kiện luật định, cụ thể như sau:
Quy định cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại đô thị
– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;
– Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
– Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định của pháp luật; và
– Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; hoặc phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành (đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng).
Quy định cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn
Khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
3. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi GPXD
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp GPXD đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp GPXD trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp GPXD thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp GPXD đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
– Cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi GPXD do mình cấp.
– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD không thu hồi GPXD đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi GPXD.
Trên đây là những thông tin bổ ích về quy định cấp phép xây dựng. Sẽ khá phiền phức nếu như bạn nắm không rõ thủ tục, hồ sơ và thời gian điều chỉnh của giấy phép xây dựng. Vì thế, đừng quên tìm đến đơn vị tư vấn xây dựng uy tín để được thông tin đầy đủ và chính xác nhất nhé!