Quy định mới về thủ tục xin Giấy phép xây dựng

dừng cấp phép xây dựng cho đại gia lê thanh thản

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Việc cấp giấy phép xây dựng được coi là cơ sở đảm bảo quản lí nhà nước về xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng theo quy hoạch và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong xây dựng công trình; đồng thời tạo điều kiện kiểm tra, giám sát, xử lí các vi phạm về trật tự xây dựng.

Có thể nói giấy phép xây dựng như tấm vé thông hành đối với các chủ đầu tư, là tiền đề để họ có thể thực hiện việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Vì vậy, việc tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật hiện hành về giấy phép xây dựng (như đối tượng phải xin cấp phép, điều kiện để được cấp phép, trình tự thủ tục xin cấp phép…) là rất cần thiết, giúp các chủ đầu tư tránh được những sai phạm đáng tiếc. Xoay quanh một số vấn đề pháp lí cơ bản về giấy phép xây dựng, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về vấn đề này.

1. Những công trình xây dựng nào phải xin giấy phép xây dựng?

Chủ đầu tư và nhà thầu thi công chỉ được khởi công xây dựng công trình khi đã có đủ các điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng năm 2003, bao gồm: Có mặt bằng xây dựng; có Giấy phép xây dựng đối với các công trình phải có Giấy phép xây dựng; có thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt; có biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; có hợp đồng xây dựng; có đủ nguồn vốn để thực hiện theo tiến độ.

Vì vậy, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có Giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình không phải xin cấp phép xây dựng được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 “Về cấp giấy phép xây dựng”, bao gồm:

– Công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính và các công trình khác theo quy định của Chính phủ được miễn giấy phép xây dựng.

– Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư.

– Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài, kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình.

– Công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật và nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cần lưu ý một điểm mới trong quy định này, đó là theo điểm c Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ “Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình” (văn bản đã hết hiệu lực), công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuộc diện không phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP, trường hợp này không còn thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng nữa. Đối với những công trình, theo quy định trước khi Nghị định số 64/2012/NĐ-CP có hiệu lực mà thuộc đối tượng không phải xin giấy phép xây dựng, nhưng theo quy định của Nghị định này thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép, nhưng nếu chưa khởi công xây dựng thì phải nộp hồ sơ đề nghị để được xem xét cấp phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.

2. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng:

Hiểu rõ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng giúp các chủ đầu tư xác định đúng nơi mình phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể, rõ ràng tùy thuộc vào đối tượng xin cấp phép xây dựng, cụ thể như sau:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (xác định theo hướng dẫn phân cấp các loại công trình xây dựng do Bộ xây dựng ban hành); công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hoá; công trình tượng đài, tranh hoành tráng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; những công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình thuộc dự án và các công trình khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các đối tượng quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và tại những khu vực theo quy định của UBND cấp huyện khi xây dựng phải có giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

Lưu ý: Công trình do cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng thì cơ quan đó có quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi giấy phép xây dựng do cấp dưới cấp không đúng quy định.

3. Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng:

  •  Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng:

 Công việc đầu tiên cần phải thực hiện khi muốn xin cấp phép xây dựng là chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Dưới đây là những tài liệu cần có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu đối với từng trường hợp, từng loại công trình, nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 1 Thông tư số  10/2012/TT-BXD).

– Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu công trình, nhà ở, đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo; giấy ủy quyền, đối với trường hợp được chủ sở hữu công trình ủy quyền thực hiện sửa chữa, cải tạo; quyết định cho phép đầu tư xây dựng của cấp có thẩm quyền đối với công trình ngầm đô thị; quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Hai bộ bản vẽ thiết kế do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định (nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số  10/2012/TT-BXD).

– Đối với trường hợp lắp đặt thiết bị hoặc kết cấu khác vào công trình đã xây dựng, nhưng không thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì phải có bản sao có chứng thực Hợp đồng với chủ sở hữu công trình.

– Quyết định phê duyệt dự án kèm theo văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, ý kiến bằng văn bản về thiết kế cơ sở (nếu có) của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

  •  Thủ tục  xin cấp giấy phép xây dựng:

– Chủ đầu tư nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

– Cơ quan cấp giấy phép xây dựng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị được giao thẩm định hồ sơ xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết). Cơ quan cấp giấy phép xây dựng xác định các tài liệu còn thiếu, các tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Nếu hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu thì cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Sau hai lần bổ sung, hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp phép có quyền không xem xét việc cấp giấy phép và thông báo cho chủ đầu tư biết.

– Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng đối chiếu với các điều kiện được cấp giấy phép xây dựng để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng.

Cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành và các điều kiện được cấp giấy phép xây dựng để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.

– Thời gian cấp giấy phép xây dựng: Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, bao gồm cả  giấy phép xây dựng tạm, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời, thời gian không quá 20 ngày làm việc đối với công trình; 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp đến hạn nói trên, nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.

– Nhận kết quả và nộp lệ phí: Chủ đầu tư tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định khi nộp hồ sơ. Chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc văn bản trả lời (đối với trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng).

Nếu quá thời hạn ghi trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp phép không trả lời thì chủ đầu tư được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

1 những suy nghĩ trên “Quy định mới về thủ tục xin Giấy phép xây dựng

  1. Pingback: Sửa chữa & cải tạo lại nhà ở có cần xin phép xây dựng không? - Diễn đàn bất động sản, nhà đất

Bình luận đã được đóng lại.