Một số qui định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong lĩnh vực kiến trúc

Quy định quyền tác giả trong kiến trúc

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Để có thể tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến và tri thức của nhân loại, chúng ta phải “mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài” và do đó hội nhập chính là một xu thế tất yếu của thời kỳ mở cửa.

Tuy nhiên để “tham gia vào cuộc chơi này’, một điều bắt buộc là chúng ta phải đáp ứng được các qui định về thương mại, quyền sở hữu trí tuệ,… của các nước cũng như các tổ chức quốc tế,… mà Việt Nam tham gia. Trong đó bảo hộ quyền tác giả là một điều kiện không thể thiếu trong hội nhập quốc tế về thương mại.

Quy định quyền tác giả trong kiến trúc

1.Một số qui định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong lĩnh vực kiến trúc

Những ý tưởng về bảo hộ quyền tác giả đã được ghi nhận từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được khẳng định đầy đủ trong bản Hiến pháp hiện hành năm 1992, Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX ngày 14.11.1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 142/HĐBT qui định về quyền tác giả. Đây là văn bản pháp lý riêng biệt đầu tiên của Nhà nước qui định về quyền tác giả. Tháng 10 năm 1994, Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả . Đến tháng 10 năm 1995, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự và có hiệu lực từ ngày 1.07.1996, trong đó quyền tác giả qui định tại Chương I Phần thứ sáu và các điều khoản khác có liên quan.

Trong các loại hình tác phẩm được nhà nước bảo hộ thì tác phẩm kiến trúc thuộc một loại hình có đặc thù khác hẳn so với cácloại hình tác phẩm khác.

Theo Điều 747 (điểm h, khoản 1) Bộ Luật Dân Sự và khoản 8 điều 4 nghị định 76/CP ngày 29.11.1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số qui định về quyền tác giả trong Bộ Luật Dân Sự qui định “ tác phẩm kiến trúc là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ” và “tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng”. Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc (khoản 2, điều 747). “Bản gốc” được hiểu là bản đầu tiên của tác phẩm do tácgiả sáng tạo ra (điểm 2, mục I thông tư số 27/2001/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29.11.1996 và Nghị định số 60/CP ngày 6.06.1997 của Chính phủ huớng dẫn thi hnàh một số quy định về quyền tác giả trong Bộ Luật Dân Sự). Nhà nước bảo hộ tác phẩm không phân biệt chất lượng tác phẩm (đièu 747, khoản 2).

Theo quy định tại Điều 745 Bộ Luật Dân Sự, tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Trong trường hợp nhiều người cùng sáng tạo tác phẩm thì họ là đồng tác giả tác phẩm đó.

Chủ sở hữu tác phẩm là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu các quyền của tác giả có thể chuyển giao được theo quy định của pháp luật (theo khoản 7, mục I thông tư 27/2001/TT-BVHTT ngày 10.05.2001).

Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc phát sinh từ thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ (điều 6 nghị định 76/CP)

Tác giả của tác phẩm kiến trúc được hưởng các quyền quy định tại điều 751, điều 752 Bộ Luật Dân Sự bao gồm các quyền cơ bản: quyền nhân thân như quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm; quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố phổ biến; quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình…

Chủ sở hữu tác phẩm được hưởng các quyền quy định tại điều 753 Bộ Luật Dân Sự có các quyền nhân thân đối với tác phẩm bao gồm công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố phổ biến tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác

Ngoài ra, Bộ Luật Dân Sự cũng quy định về giới hạn quyền tác giả tại điều 760: cá nhân tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.

     Đối với các tác phẩm kiến trúc không cho phép sao lại tác phẩm để dùng riêng (theo khoản 2 Điều 761 Bộ Luật Dân Sự) nhưng nếu chụp ảnh, truyền hình, giới thiệu hình ảnh của tác phẩm kiến trúc trưng bày ở nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó thì sẽ được sử dụng không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm (theo điểm i khoản 1 Điều 761 Bộ Luật Dân Sự

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại điều 766 Bộ Luật Dân Sự “Các quyền nhân thân của tác giả quy định tại điểm a, b và đ Khoản 2 Điều 751; Khoản 1 Điều 752 được bảo hộ vô thời hạn; các quyền nhân thân được quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 751 và các quyền tài sản quy định tại khoản 2 Điều 752 được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả  và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết

Các chế tài dân sự, hành chính, hình sự:

Chế tài dân sự: Điều 759 Bộ Luật Dân Sự quy định “Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị người khác xâm phạm quyền tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm , có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xinlỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”.

     Chế tài hành chính: Điều 13 (khoản 3) quy định “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với những vi phạm hành chính có nhiều tình tiét năngj trong các lĩnh vưc văn hoá, thông tin…”

     Chế tài hình sự: Điều 141 Bộ Luật Hình Sự quy định tội xâm phạm quyền tác giả, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Một số bình luận về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc

Như phần trên đã trình bày, Nhà nước bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc khi nó là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng. Xung quanh vấn đề này đã có rất nhiều tranh cãi khác nhau. Có hai trường phái chủ đạo là :

Trường phái 1: nhà nước bảo hộ quyền tác giả cho hai loại tác phẩm kiến trúc

(1)   Các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã xây dựng.

(2)   Các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian chưa xây dựng

Trong trường hợp một ngôi nhà, một công trình xây dựng không còn là ý tưởng của tác giả thể hiện trên bản vẽ trên mặt giấy mà đã trở thành một vật thể hữu hình mà chúng ta có thể nhìn ngắm, sờ mó được thì liệu chăng nhà nước có thể bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm kiến trúc này không? Khi chủ sở hưũ trong quá trình sử dụng cải tạo lại của ngôi nhà đó, công trình đó theo sở thích của riêng họ thì hành vi của họ có được coi là xâm phạm quyền tác giả hay không? Rõ ràng là trên thực tế, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền quyết định đối vật sở hữu của họ và đương nhiên hành vi của họ là đúng luật và khi đó tác giả không thể kiện chủ sở hữu xâm phạm quyền tác giả đối với công trình đó cho dù thực tế là việc thể hiên bản vẽ tác phẩm kiến trúc của họ đã bị sửa đổi.

      Trường hợp có một công trình kiến trúc được thiết kế rất độc đáo và được xây trên một khu đất rộng lớn gần khu vực có nhiều nguời qua lại, vui choi, giải trí. Nếu như có người sao nguyên bản và xây dụng ngôi nhà của mình giống hệt với công trình kiến trúc đó thì họ có xâm phạm quyền tác giả hay không?

Trường hợp có người mua bản vẽ thiết kế của ngôi nhà nhưng anh ta không sử dụng bản vẽ này mà xé bỏ đi hoặc vẽ thêm một số chi tiết khác vào bản vẽ thì liệu anh ta có vi phạm quyền tác giả hay không?

Theo quan điểm của người viết thì đối với trường hợp người sao nguyên bản công trình kiến trúc ở nơi công cộng trong khi xây ngôi nhà của anh ta là hành vi phạm quyền tác giả vì theo khoản 2 Điều 761 Bộ Luật Dân Sự, không cho phép sao lại tác phẩm kiến trúc để dùng riêng. Nhưng nếu chụp ảnh,truyền hình công trình kiến trúc đó thì không vi phạm quyền tác giả (theo điểm i khoản 1 Điều 761 Bộ Luật Dân Sự). Đối với trường hợp người mua bản vẽ thiết kế ngôi nhà, anh ta sẽ vi phạm quyền tác giả néu anh ta vẽ thêm chi tiết vào bản vẽ nhưng khi anh ta xé bỏ bản vẽ thì hành vi của anh ta không phải là xâm phạm quyền tác giả.

Trường phái 2: nhà nước bảo hộ quyền tác giả đối với các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian không phụ thuộc bản vẽ đó đã hoặc chưa được xây dựng

Người viết thiên về trường phái 2 vì hai lý do sau:

–  Đi sâu vào phân tích cấu trúc ngữ pháp:  “Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng” có thể thấy rằng: “Tác phẩm kiến trúc” là chủ ngữ chính, “các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng” là vị ngữ, trong vị ngữ này được cấu tạo thành một câu hoàn chỉnh mà trong đó các bản vẽ thiết kế” là chủ ngữ của vế câu làm vị ngữ, “thể hiện ý tưởng sáng tạo” là vị ngữ của vế câu làm vị ngữ, “về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng là bổ ngữ trong vế câu làm vị ngữ. Đây chính là câu ghép có vế câu làm vị ngữ. Như vậy là nhà nước chỉ bảo hộ quyền tác giả cho các bản vẽ thiết kế… chứ không bảo hộ cho cả công trình đã xây.

–  Theo điều 6 nghị định 76/CP, quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc phát sinh từ thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ

Tóm lại, nhà nước Việt Nam đã có một hệ thống các quy định pháp luật về quyền tác giả như trên, về cơ bản đã đáp ứng được phần nào yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và đã xác lập được hành lang pháp lý an toàn khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ quyền tác giả của những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do lao động của tư duy sáng tạo ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quyền tác giả trong các trường hợp cụ thể vẫn còn nhiều bất cập mà những ví dụ người viết đưa ra ở trên là bằng chứng, đòi hỏi cơ quan thực thi phải vận dụng các điều luật một cách “mềm dẻo” và “linh hoạt” tuỳ từng trường hợp cụ thể mà “tuỳ cơ ứng biến”. Do vậy, trong thời gian tới nên chăng cần có những sửa đổi bổ sung cho các qui định này với mục đích tiến tới có một bộ khung luật hoàn chỉnh trong hệ thống pháp luật quyền tác giả ở Việt Nam?

1 những suy nghĩ trên “Một số qui định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong lĩnh vực kiến trúc

  1. Pingback: Những mẫu phòng khách “dịu dàng” – đơn giản – hiện đại “đậm chất” Á Đông | Nội thất Đức Châm

Bình luận đã được đóng lại.