Ngay sau khi trúng đấu giá, các hộ dân đã “biến tướng” đất dự án Cụm sản xuất làng nghề tập trung thuộc xã Vân Hà (Đông Anh – Hà Nội) thành những công trình xây dựng kiên cố, vượt phép theo quy định, trước sự bất lực của cơ quan chức năng sở tại.
Với mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đồng bộ, ngày 27/2/2008, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà với tổng diện tích 101.187m2. Vốn đầu tư dự kiến trên 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện và vốn huy động.
Năm 2014, trong khi mặt bằng vẫn chưa giải phóng xong, cơ sơ hạ tầng chưa hoàn thiện đồng bộ, UBND huyện Đông Anh đã tiến hành 2 đợt đấu giá quyền sử dụng đất 50 năm để làm nhà xưởng sản xuất, gia công, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ tại các ô đất XN-02 và XN-04 trong cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà.
Nhiều công trình vượt phép thách thức cơ quan chức năng huyện Đông Anh
Theo đó, 17 hộ trúng đấu giá đã được UBND huyện Đông Anh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng.
Nội dung GPXD ghi rõ, chỉ tiêu quy hoạch tại khu đất dự án này, các công trình xây dựng cao tối đa là 3 tầng; nhà sản xuất kho cao từ 1 đến 2 tầng; nhà văn phòng giao dịch, hành chính cao từ 2 đến 3 tầng; mật độ xây dựng tối đa 50% và hệ số sử dụng đất tối đa là 1 lần. Và mục đính của công trình là có chức năng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên tại khu đất XN-02 và XN-04 của dự án, thật khó để tìm thấy công trình nào với mục đính làm xưởng sản xuất đồ gỗ. Thay vào đó, có khoảng 20 công trình được xây dựng từ 2 đến 3 tầng kiên cố, sai hoàn toàn so với giấy phép quy định.
Tập thể, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc để đất dự án “biến tướng”
Ngoài 2 khu đất trên, những ô đất có diện tích từ 400m2 trở lên để đảm bảo diện tích sản xuất, kinh doanh cũng được các hộ dân tự ý chia nhỏ thành nhiều mảnh nhỏ để xây dựng.
Ông Đào Trọng Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, hiện nay, khoảng 10/17 hộ trúng đấu giá đã và đang xây dựng sai phép, chủ yếu sai về mật độ xây dựng, diện tích và số tầng.
Ngoài ra, tình trạng “xé nhỏ” các ô đất để xây dựng là do các hộ dân không đủ khả năng về tài chính nên cùng chung tiền mua ô đất. Sau khi được huyện cấp phép, các hộ tự phân chia, xây dựng các công trình – ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, các hộ dân không tìm hiểu kỹ về dự án nên sau khi đấu thầu, thấy mật độ không như mong muốn nên các hộ cố tình xây dựng sai phép.
Được biết, ngày 21/11/2014, UBND xã Vân Hà đã lập Quyết định đình chỉ thi công đối với 9 hộ dân có các vi phạm ở mức độ nghiêm trọng khác nhau về xây dựng sai phép, sai mật độ, xây dựng vượt quá số tầng cho phép trên đất dự án.
Qua đó, UBND xã Vân Hà cũng đề nghị UBND huyện Đông Anh ra Quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ xây dựng sai phép. Nếu các hộ không thực hiện thì đề nghị huyện ra Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình vi phạm.
Ngoài ra, UBND xã Vân Hà cam kết sẽ quản lý nghiêm túc theo hồ sơ xin cấp phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng còn lại.
Nhưng thực tế, gần 6 tháng trôi qua, hàng chục công trình vẫn rốt ráo xây dựng và hoàn thiện, mà không hề có sự ngăn chặn kịp thời của cơ quan chức năng sở tại.
Có hay không sự bảo kê của chính quyền địa phương cho sai phạm. Ai chịu trách nhiệm trong việc để đất dự án bị biến tướng, phá vỡ quy hoạch Cụm sản xuất làng nghề.
(Theo TTTĐ)