Thủ tục tách sổ đỏ và xin giấy phép xây dựng

quy định xin giấy phép xây dựng nhà

HỎI:

Mình định mua một mảnh đất đã có thổ cư ở huyện Phúc Thọ, giờ muốn tách sổ đỏ cũng như xin giấy phép xây dựng nhà thì cần phải làm gì? Và chi phí giành cho những công việc đó là bao nhiêu? Xin cảm ơn!

TRẢ LỜI:

Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Về thủ tục tách thửa đất.

Trường hợp của bạn về tách thửa đất khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do vậy, thủ tục cần thực hiện gồm:

Thứ nhất, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà bạn định mua. Hợp đồng này phải được công chứng tại Văn phòng công chứng.

thủ tục tách thửa đất và xin giấy phép xây dựng nhà

Thứ hai, sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Để thực hiện việc tách thửa đất trên, theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ – CP hướng dẫn thực hiện Luật đất đai, bạn cần nộp hồ sơ xin tách thửa đất tới cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ xin tách thửa đất bao gồm:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( bản chính và bản sao có chứng thực)

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng;

– Sơ đồ kỹ thuật thửa đất (nếu có yêu cầu);

– Chứng minh thư, hộ khẩu của hai bên chuyển nhượng ( bản sao có chứng thực);

– Các tài liệu khác ( nếu có yêu cầu);

– Biên lai thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cơ quan nhận hồ sơ: văn phòng đăng ký đất đai thuộc phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có bất động sản.

Các nghĩa vụ tài chính gồm:

– Lệ phí trước bạ: Theo quy định tại nghị định 45/2011/NĐ – CP về lệ phí trước bạ, mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà đất là 0.5%* giá đất * diện tích. Giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản ban hành.

– Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí thẩm định theo quy định tại thông tư 02/2014/TT – BTC hướng dẫn về phí và lệ phí.

Về thủ tục cấp giấy phép xây nhà ở:

Thứ nhất, điều kiện để công trình xây dựng được cấp giấy phép xây dựng:

Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 64/2012/NĐ – CP về cấp giấy phép xây dựng, công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ để được cấp phép xây dựng phải đáp ứng các điều kiện phù hợp với kế hoạch chi tiết xây dựng, mục đích sử dụng đất, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuân thủ các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận…

thủ tục tách thửa đất và xin giấy phép xây dựng nhà

Thứ hai, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng:

Điều 8 Nghị định 64/2012/NĐ –  CP quy định, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

– Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng).

Thứ ba, thời gian cấp giấy phép xây dựng:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng:

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2012/NĐ – CP, đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ:

  • Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
  • Ủy ban nhân dân xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

Thứ năm, chi phí xin cấp giấy phép xây dựng:

Lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Thông tư 02/2014/TT – BTC, lệ phí không quá 75.000 đồng/1 giấy phép.