Khéo dùng đồ mua, tận dụng đồ thửa để trang trí nội thất

Nội thất là “tiết mục” cuối cùng trong khâu hoàn thiện công trình. Trong phần kiến trúc (cùng các bộ môn kỹ thuật liên quan như kết cấu, điện, nước…), chủ nhà thường giao phó trách nhiệm cho kiến trúc sư thiết kế.

Song phần nội thất thì có lẽ vì trực quan hơn, cùng với thói quen, tâm lý tiêu dùng; chủ nhà lại hay “nhận trách nhiệm” về phía mình một phần, hay thậm chí là tất cả. Kiến trúc sư có thể đảm nhận phần tư vấn thiết kế nội thất, có thể không; điều này hầu như phụ thuộc vào chủ nhà với sự lựa chọn: Đồ mua hay đồ thửa.

Không gian nội thất lớn như phòng khách – sinh hoạt chung dễ lựa với những đồ mua.
Không gian nội thất lớn như phòng khách – sinh hoạt chung dễ lựa với những đồ mua.

Vào siêu thị nội thất mua đồ, như lạc vào rừng

Theo cách hiểu “dân gian” thông thường của những người làm nhà; thì nội thất chính là phần làm hoàn thiện sau khi xây thô (các phần bêtông, khối xây). Như vậy nội thất bao gồm cả các phần thi công liên quan đến vật liệu hoàn thiện như gạch ốp lát; phần kỹ thuật điện, nước, điều hoà… có các thiết bị liên quan; cùng với phần đồ đạc nội thất sử dụng (như giường tủ, bàn ghế…). Có thể thấy điều đó ở góc độ thị trường với những cửa hàng, siêu thị, showroom… bày bán từ gạch ốp lát, sàn gỗ, thiết bị vệ sinh… tới các loại đồ đạc nội thất.
Khách hàng vào siêu thị như lạ vào rừng, mặc dù có thể đã có thiết kế trong tay, với những chỉ định khá cụ thể. Kiến trúc sư thì “có quyền” chỉ định loại vật liệu hay thiết bị này nọ, nhưng “quyền quyết định” thì lại thuộc về chủ nhà. Đó là một thực tế. Về mặt chuyên môn, có thể điều này không ổn; nhưng xét ở góc độ xã hội và tâm lý con người thì đó là một điều hợp lý. Xây ngôi nhà cho mình, người chủ nhà có quyền lựa chọn những gì mà họ thấy thích, thấy cần, khi mà điều đó họ hoàn toàn có thể làm được (dù rằng có kiến trúc sư tư vấn vẫn tốt hơn).

Những không gian nhỏ như phòng ngủ thường được thửa đồ để phù hợp cấu trúc mặt bằng và tận dụng tối đa diện tích, không gian.
Những không gian nhỏ như phòng ngủ thường được thửa đồ để phù hợp cấu trúc mặt bằng và tận dụng tối đa diện tích, không gian.

Khi chọn một loại vật liệu hay thiết bị, kiến trúc sư đã nghiên cứu tính toán dựa trên tổng thể kiến trúc và các yếu tố kỹ thuật; thẩm mỹ. Nhưng chủ nhà thì luôn nhìn cục bộ cho từng hạng mục, từng loại vật liệu như thích kiểu này, thích màu này, thích vì nó có tính năng kia… và luôn luôn hoa mắt trong siêu thị nội thất bởi có quá nhiều mẫu mã.
Có những thứ đồ nội thất – thiết bị bắt buộc phải mua, không thể thửa được. Đó là các loại thiết bị vệ sinh, các loại đèn chiếu sáng thông thường. Tuy nhiên với sự đa dạng mẫu mã như hiện nay, thì cần thiết phải có vai trò tư vấn của kiến trúc sư để lựa chọn được thiết bị phù hợp.
Với nhóm đồ đạc nội thất, kê sắp sau, không liên quan đến quá trình xây lắp công trình; cũng có rất nhiều hàng bán sẵn và những chủ nhà rất thích thú với việc đi xem, lựa chọn. Đó là giường, tủ, bàn, ghế, kệ tivi, sofa… Các loại đồ này có nguồn khá phong phú từ các đơn vị sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài. Việc “mục sở thị” đồ và rước ngay về (nếu thấy thích) luôn làm chủ nhà hứng khởi, thích thú; và tăng cảm giác tự tin cũng như khẳng định vai trò của mình trong việc tạo dựng ngôi nhà, không quá lệ thuộc vào kiến trúc sư. Và kiến trúc sư thường… đau đầu trong vấn đề tư vấn và hoà giải khi cả nhà khách hàng dắt nhau đi mua đồ mà mỗi người một ý. Mua đồ có ưu điểm là được nhìn ngắm, xem xét kỹ một sự vật hiện hữu; nhưng cũng có nhược điểm là không phải lúc nào cũng tìm được cái mình thích, và có khi cái mình thích lại… không phù hợp với không gian nội thất ngôi nhà của mình, chưa kể người khác trong gia đình lại không thích như đã nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đặt thiết kế để đi thửa đồ. Chuyện này cũng có nhiều lý do…

Đồ thửa – thuận lợi và những điều bất cập

Đồ thửa, tức là đồ đặt đóng theo thiết kế (hoặc thoả thuận về kiểu dáng mẫu mã – khi không có thiết kế) với nhà sản xuất có nhiều thuận lợi. Trước hết, đó là sự đồng bộ về kiểu dáng, chất liệu của toàn bộ đồ đạc trong nhà hoặc trong cùng một không gian (phòng chức năng) mà khi mua sẵn rất ít khi chọn được. Thửa đồ cũng chủ động giải quyết các kích thước nhỡ, hoặc các kích thước đặc biệt (như dài hết một ô tường, cao bằng một chiều cao chuẩn nào đó…). Thửa đồ, nếu nắm bắt tốt ý đồ kiến trúc (hoặc do chính người thiết kế kiến trúc làm nội thất) sẽ phối hợp được tốt kiến trúc và nội thất, làm tăng giá trị của công trình cả ở mặt công năng và thẩm mỹ

Đồ thửa nếu tìm được chỗ sản xuất tốt, làm đúng thiết kế, đặc biệt là chủng loại vật liệu; sẽ bền hơn, đảm bảo hơn so với đồ mua sẵn (thường chỉ hào nhoáng bề ngoài), mà người tiêu dùng vẫn thường gọi là… hàng chợ.

Một phòng ngủ được bán sẵn, đồng bộ với giường, tủ đầu giường, bàn trang điểm…
Một phòng ngủ được bán sẵn, đồng bộ với giường, tủ đầu giường, bàn trang điểm…

Và nếu thửa đồ, chủ nhà sẽ có thể đặt làm nhiều thứ trong phạm vi công việc và năng lực của nhà sản xuất, chủ động hơn so với việc trang trí nội thất. Ví dụ như những vách ngăn, kệ trang trí đồng bộ… không có bán sẵn trên thị trường. Cuối cùng, đồ thửa tạo nên phong cách nội thất, thoả mãn được nhu cầu của chủ nhân; và thường không đụng hàng.

Tuy vậy, việc thửa đồ hay “chơi” đồ thửa cũng có những bất cập nhất định. Thứ nhất là vấn đề chi phí thiết kế. Rất nhiều người băn khoăn điều này, bởi sắm đồ nội thất mình hoàn toàn có thể làm được (thực tế đúng là như vậy), sao lại phải tốn tiền thuê thiết kế nữa??? Tiếp theo là… chi phí đặt hàng cao hơn so với cách mua sẵn. Bởi đã đặt thì thường phải hệ thống, đầy đủ; còn mua sẵn thì có thể chọn lựa theo trọng điểm những thứ cần, những thứ thích. Hàng bán sẵn được sản xuất công nghiệp nên giá cũng dễ hợp lý. Ngoài ra, về mặt chất liệu, đồ thửa thường không phong phú, nhất là các hạng mục có chất liệu kết hợp. Đa phần đồ thửa là chất liệu gỗ, có thể có thêm một chút phụ kiện kim khí như tay nắm, bản lề… Với những loại kết hợp nhiều chất liệu như gỗ, kính, kim loại, da… ít có đơn vị có khả năng sản xuất tốt, chất lượng thẩm mỹ cao như những hàng nhập khẩu. Ở góc độ tâm lý tiêu dùng; mua sẵn vẫn thoải mái hơn, bởi thích thì mua, không thích thì thôi. Chứ nếu thửa đồ, sau khi đã ứng tiền, chờ đợi, rồi đồ chuyển về lại không ưng, không thoả mãn thì ấm ức và khó chịu vô cùng; và lại phát sinh các vấn đề đôi co tranh cãi rất mệt và tốn thời gian.

 Kết hợp đồ mua và đồ thửa?

Đó là một giải pháp hợp lý. Thực tế đúng là như vậy. Ngoại trừ những thứ đồ nội thất – thiết bị bắt buộc phải mua như đã nói ở phần đầu; thì những đồ kê rời rất nên linh hoạt. Với những thứ cần kích thước theo thực tế như tủ bếp, tủ quần áo, tủ giầy, giá – kệ… thì nên thửa đồ để tận dụng tốt không gian, diện tích cũng như tăng tính thẩm mỹ. Với những thứ thường có kích thước tiêu chuẩn như giường, bàn, ghế… thì có thể mua sẵn. Tuy nhiên cần cân nhắc vì các đồ này có quan hệ với nhau trong cùng một không gian như: giường, tủ quần áo, bàn trang điểm (trong phòng ngủ), bàn – ghế ăn, tủ bếp (trong phòng bếp) hay sofa, bàn trà, kệ tivi trong phòng khách – sinh hoạt chung.

Mua đồ gì, thửa đồ gì rất cần sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trên nhiều phương diện: tài chính, thị trường đồ nội thất, năng lực của nhà thầu sản xuất đồ nội thất, tính chất của không gian trong nhà, nhu cầu mong muốn với đồ đạc… Điều này nên được trao đổi cùng kiến trúc sư để có giải pháp cuối cùng hợp lý, thuận lợi. Và nếu mua đồ cũng cần sự tham vấn của nhà chuyên môn.

Hiện nay trên thị trường, những đồ nội thất bán sẵn phát triển rất mạnh. Có những thứ tưởng như luôn là đồ thửa cũng có bán sẵn như tủ bếp, bàn chậu rửa vệ sinh. Nếu thích sử dụng những đồ này, gia chủ nên tham khảo kiến trúc sư ngay trong quá trình làm phương án thiết kế để có giải pháp phù hợp, chủ động trong các kích thước cũng như hệ thống kỹ thuật liên quan.