Nhiều người thường nghĩ rằng , làm nhà thì phần thô không quan trọng lắm, miễn chắc chắn là được. Và vì thế không cần thợ giỏi hay không cần giám sát chặt chẽ…Đó thực chất là một quan niệm sai lầm.
Nếu phần thô không được làm tốt, để lại nhiều sai sót thì công đoạn sau sẽ tốn công tốn của rất nhiều và chủ nhà phải là người gánh chịu. Dĩ nhiên chủ nhà không phải là người cầm bay cầm thước, nhưng bài viết này có những lưu ý cần biết và theo dõi để giảm thiểu những phiền toái nếu làm phần thô không tốt.
Làm phần thô – không dễ
Phần thô, theo cách hiểu nói chung là phần móng cùng bể ngầm, các hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, dầm, sàn bêtông), mái bêtông, cầu thang đã đổ bản và xây bậc, hệ thống tường bao che và ngăn chia chưa trát (tô). Đây cũng là “điểm dừng lại” ở các hạng mục công trình nhà chia lô, biệt thự trong nhiều dự án đô thị mới, dự án khu nhà ở. Chủ đầu tư dự án sẽ thi công đến phần đó; còn lại do khách hàng tự hoàn thiện nốt theo nhu cầu và túi tiền của riêng mình.
Phần thô trong xây dựng, nói một cách ngắn gọn là có các nội dung công việc chính như sau: làm ván khuôn; gia công thép + lắp dựng; đổ bêtông; xây khối xây gạch. Đây là những công việc rất nặng nhọc, thi công trong môi trường khó khăn (thường là ngoài trời). Và đây cũng là công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, cần những kiến thức – đặc biệt là kết cấu xây dựng; đòi hỏi sự tính toán chu đáo, cẩn thận, khoa học. Ví dụ như cần tính toán cắt thép thế nào cho hợp lý nhất, đảm bảo kỹ thuật và tiết kiệm nhất. Công đoạn trộn và đổ bêtông cũng không hề đơn giản, đòi hỏi những quy phạm nghiêm ngặt của chất lượng. Trong quá trình đổ bêtông như không được phép sai sót, sơ suất, hay để những sự cố kỹ thuật xảy ra như máy hỏng, mất điện, mất nước, cung ứng vật tư không kịp thời… Cũng trong quá trình này, công tác an toàn lao động, phương án tổ chức thi công cũng phải thực hiện rất khoa học và cẩn thận.
Việc xây các khối xây cũng tương tự, mặc dù có “dễ” hơn hạng mục bêtông một chút. Xây đúng, chính xác, thẳng, vuông… đảm bảo quy cách cấu tạo khối xây cũng không dễ, phải biết tính toán để không trùng mạch, không nhỡ viên… thường phải thợ lâu năm có kinh nghiệm mới làm tốt.
Sự quan trọng của phần thô
Như trên đã nói, nhiều người – thậm chí cả thợ nghĩ phần thô không quan trọng – đó là một quan niệm sai lầm. Đúng ra thì: không có phần nào là không quan trọng cả, nhưng quan trọng nhất là phần thô. Quan niệm sai lầm xuất phát bởi cách nhìn nhận vấn đề không đi từ bản chất của quá trình xây dựng. Họ chỉ thấy rằng khi kết thúc một ngôi nhà, thì những gì nhìn thấy là gạch ốp lát, là tường sơn, là cửa, là thiết bị vệ sinh, là đèn… Có ai nhìn thấy cái cột ẩn trong tường, có ai nhìn thấy thép trong sàn, hoặc những viên gạch sau lớp trát nằm cùng nhau tạo nên bức tường như thế nào…?
Phần thô là tiền đề quan trọng cho tất cả các quy trình, hạng mục, các bộ môn thi công sau này. Phần thô càng tốt, càng chuẩn, càng chính xác thì những phần sau thi công càng thuận tiện, càng tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến công trình (như đục phá, chỉnh sửa…)
Nếu tính toán kỹ, khi thi công phần thô sẽ làm cho các nội dung sau thuận lợi chính xác. Ngược lại, cứ làm ào ào với cách nghĩ: rồi hoàn thiện sẽ xử lý được hết; thì có thể hậu quả sẽ khôn lường. Ví dụ: các hệ thống dầm cột chuẩn sẽ làm cho quá trình xây khối xây thuận tiện; bề mặt bêtông phẳng, chuẩn sẽ làm cho lớp áo trát chất lượng hơn. Nếu như phần bêtông thừa thì hay phải đục bỏ rất mất thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu do chấn động cơ học, còn trong trường hợp cấu kiện bêtông bị non kích thước sẽ phải đắp bù nhiều vữa. Lớp vữa dày cũng có giới hạn, nếu đắp nhiều vữa quá, thì lớp này có thể dễ bị bong ra khỏi bề mặt. Cần nắm rõ và tính toán những vị trí thoát nước xuyên dầm sàn bêtông để đặt lỗ chờ, tránh tình trạng đục phá. Ở phần khối xây, phải nắm rõ những vị trí xung yếu để có quy cách xây thích hợp, đảm bảo kết cấu. Những vị trí khoan vít, treo thiết bị nặng, hàn chân sắt vào tường… phải được xây gạch đặc. Có những chuyện rất nhỏ nhưng nếu không để ý lại thành vô duyên. Ví dụ như nguyên tắc xây tường đôi thì sau khoảng năm đến sáu hàng lại có một hàng xoay viên để “khóa” lại. Hàng xoay này thường xây gạch đặc để tăng cường độ cứng cho tường và tránh lỗ ở gạch lỗ hở ra ngoài. Có trường hợp thợ nề xoay hàng đúng cao độ đi dây của thợ điện. Hệ quả là thợ điện đục rất vất vả mà tường bị phá rất nhiều, gây yếu tường.
Phần thô – đặc biệt là bêtông càng chính xác, càng chuẩn càng tốt. Việc trát lại một bức tường, lát lại một ô sàn… đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc phải “xử lý” bêtông nếu như không đảm bảo chất lượng hay kích thước của cấu kiện sau khi tháo dỡ ván khuôn (cốppha).
Thô để mà tinh
Thô để mà tinh. Thô cũng cần tinh. Người viết bài này nhiều lần làm việc ở công trường, tiếp xúc với thợ, hay được nghe thợ khoe: Anh/em làm cái nhà A, B… đắp bao nhiêu phào chỉ – tuyệt vời luôn; hay ốp lát nhà C, D… cả mấy trăm m2 cực đẹp… Tôi thường bảo rằng: đừng nói những cái đó vội, anh hãy thể hiện trình độ qua việc làm phần bêtông, rồi xây hết tường bao – chưa trát sẽ thấy trình độ thế nào. Hoặc là: trát hoàn thiện không khó, hãy thể hiện trình độ bằng một bức tường xây gạch trần không trát! Sự thực là nhiều thợ hãi, “gợi ý”, nài nỉ kiến trúc sư hay chủ nhà hãy xây trát bình thường rồi… ốp gạch thẻ.
Thực ra, thô không hẳn là cái phần bên trong, xấu xí rồi cũng sẽ bị giấu đi, sau những lớp trát, ốp, lát… hay nằm ẩn sâu đâu đó không nhìn thấy. Phần thô hoàn toàn có thể phô diễn với vẻ đẹp khoẻ mạnh, thô mộc, thậm chí là tinh tế của nó. Cả thế giới biết đến một phong cách sử dụng bêtông trần của kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando. Tất nhiên để có những sản phẩm bêtông trần quyến rũ và làm đẹp cho kiến trúc như vậy không phải là chuyện dễ. Ta cũng có thể thấy nhiều công trình cổ, công trình cũ xây bằng đá, bằng gạch từ xa xưa, đâu có trát-ốp-lát gì, đâu có vật liệu bọc bề mặt; mà vẫn đẹp kỳ lạ. Thô đấy, mà tinh!
Trở lại chuyện thi công phần thô. Nên hiểu rằng đây là nội dung quan trọng nhất. Ngôi nhà có thể được sửa chữa, thay đổi vật liệu bề mặt, thiết bị, màu sắc… bởi thời gian. Nhưng phần thô không thay đổi được, khó thay đổi. Mà phần thô càng chắc, càng chuẩn… thì việc điều chỉnh phần hoàn thiện càng không khó.
Từ bản vẽ, ra đến công trình thực tế, nhiều khi ta thấy giống, thấy đúng mà không biết được còn bao điều đang ẩn sâu trong đó!