So sánh sự khác nhau giữa quy định mới và quy định cũ về cấp phép xây dựng

Việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng; Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Bộ Xây dựng, cần lưu ý trong quá trình thực hiện đến các cơ quan có thẩm quyền liên quan như sau: (các nội dung chi tiết xem trong Quy định)

A. Về bố cục, Nghị định 64 gồm: 5 Chương, với 28 Điều; Thông tư 10 gồm 15 Điều.

B. Về các nội dung chính, cần lưu ý trong Nghị định, Thông tư.

CÁC QUY ĐỊNH MỚI VỀ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TẠI NGHỊ ĐỊNH 64, THÔNG TƯ 10

Từ trước đến nay, chưa có Nghị định riêng của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng. Ngày 04/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP và Thông tư số 10/2012/TT-BXD đã trình bày các quy định mới như sau:

– Điều kiện để cấp giấy phép xây dựng phân ra làm 02 loại quy định chung và riêng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ. Về điều kiện cấp GPXD là phải phù hợp Quy hoạch chi tiết (tức quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500);  quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được duyệt. Tuy nhiên, về thực trạng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

+ Chưa phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

+ Chưa có đầy đủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

+ Chưa có khu vực hay tuyến phố nào trên địa bàn thành phố có thiết kế đô thị được duyệt.

– Về thành phần hồ sơ (bổ sung thêm các thành phần hồ sơ so với trước đây):

+ Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực). Cơ quan cấp phép xây dựng chỉ kiểm tra tính hợp lệ của các bản vẽ kết cấu chịu lực. Tổ chức, cá nhân thiết kế và thẩm tra thiết kế (nếu có) phải chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế do mình thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ không bắt buộc phải có thẩm định thiết kế, nhưng nếu quy mô từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên thì phải do tổ chức tư vấn hoặc cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thiết kế và phải chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế

Đối với nhà ở riêng lẻ dưới 3 tầng hoặc có tổng diện sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2, hộ gia đình có thể tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn của công trình và các công trình lân cận.

Quy định trên, sẽ ảnh hưởng và gây lãng phí cho chủ đầu tư khi cơ quan cấp phép có yêu cầu chỉnh sửa thiết kế. Hơn nữa, trước khi phê duyệt thiết kế, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế xây dựng công trình tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm tra theo quy định tại Điều 20, 21 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Cơ quan cấp phép chỉ đóng dấu vào bản vẽ thiết kế kiến trúc, bản vẽ này là một bộ phận không tách rời giấy phép xây dựng được cấp.

+  Quyết định phê duyệt dự án kèm theo văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, văn bản tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở (nếu có) của cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định.

+  Văn bản phê duyệt biện pháp thi công của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận, đối với công trình xây chen có tầng hầm.

+  Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, kèm theo bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế.

– Thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì có thể đề nghị để được xem xét cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn. Đối với công trình không theo tuyến, chỉ được cấp giấy phép xây dựng tối đa 2 giai đoạn, bao gồm giai đoạn xây dựng phần móng và tầng hầm (nếu có) và giai đoạn xây dựng phần thân của công trình. Đối với dự án gồm nhiều công trình, chủ đầu tư có thể đề nghị để được xem xét cấp giấy phép xây dựng cho một, nhiều hoặc tất cả các công trình thuộc dự án.

– Thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho dự án.

– Thủ tục cấp lại giấy phép xây dựng đối với các trường hợp bị rách, nát, hoặc bị mất.

– Thủ tục thu hồi giấy phép xây dựng, đối với các trường hợp:

a) Giấy phép xây dựng được cấp không đúng theo quy định hiện hành;

b) Sau 6 tháng kể từ ngày được gia hạn giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư vẫn chưa khởi công xây dựng công trình;

c) Quá thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm, đối với trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp mà chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Thủ tục hủy giấy phép xây dựng:

Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép xây dựng nếu chủ đầu tư không nộp lại giấy phép xây dựng thì cơ quan cấp phép có quyết định công bố hủy giấy phép xây dựng, đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và đăng trên mạng thông tin của Sở Xây dựng.

– Đối với các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất, nếu chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được duyệt thì có thể căn cứ các quy định trước thời điểm Nghị định 64/CP có hiệu lực để xem xét cấp giấy phép xây dựng. Kể từ ngày 01/7/2013, việc cấp giấy phép xây dựng phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại Nghị định 64/CP và hướng dẫn của Thông tư 10.

Hiện nay, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị chưa có nên UBND Thành Phố cho phép lùi thời điểm áp dụng các điều kiện cấp giấy phép xây dựng (tiếp tục áp dụng Quyết Định 135 và 45 đối với nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu) cho đến trước ngày 30/12/2013.

Sau hai lần bổ sung, hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp phép có quyền không xem xét việc cấp giấy phép và thông báo cho chủ đầu tư biết. (khoản 3 – Điều 9 Nghị định 64).