Xin phép xây dựng : Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng tạm tại Hà Nội

I. Thông tin:

1. Cơ quan cấp phép: Sở Xây dựng

2. Thời gian giải quyết:

– Đối với công trình: Không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

– Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị: Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

3. Lệ phí: Theo quy định của HĐND cấp tỉnh

II. Các bước thực hiện:

1. Chủ đầu tư nộp hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để cá nhân hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị được giao thẩm định hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết). Khi xem xét hồ sơ, Sở Xây dựng phải xác định các tài liệu còn thiếu, các tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì Sở Xây dựng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Sau hai lần bổ sung, hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì Sở xây dựng có quyền không xem xét việc cấp giấy phép và thông báo cho chủ đầu tư biết.

3. Sở Xây dựng có trách nhiệm đối chiếu với các điều kiện cấp phép để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng.

4. Sở Xây dựng căn cứ các quy định hiện hành, căn cứ quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy mô công trình, chiều cao tối đa, thời gian được phép tồn tại của công trình tại vị trí xây dựng công trình và các điều kiện cấp phép để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng tạm. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện cấp phép, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tạm cho Chủ đầu tư. Chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của Sở Xây dựng tại nơi tiếp nhận hồ sơ; nếu Hồ sơ không đủ điều kiện cấp phép, Sở Xây dựng có văn bản trả lời tại nơi tiếp nhận hồ sơ, theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận..

III. Danh mục hồ sơ:

1. Đối với công trình

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm theo mẫu;

– Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Hai bộ bản vẽ thiết kế, mỗi bộ gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất tỷ lệ 1/100 – 1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình, tỷ lệ 1/50 – 1/200;

+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, kèm theo sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; cấp nước; thoát nước mưa, nước bẩn; xử lý nước thải; cấp điện; thông tin liên lạc; các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác liên quan đến dự án, tỷ lệ 1/50 – 1/200.

2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm theo mẫu;

– Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Hai bộ bản vẽ thiết kế, mỗi bộ gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình, tỷ lệ 1/50 – 1/200;

+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/20.

3. Đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm theo mẫu;

– Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc giấy tờ về quyền quản lý, sử dụng công trình;

– Các bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình được cải tạo có tỷ lệ tư¬ơng ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10×15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo;

– Đối với các công trình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

4. Tùy từng trường hợp phải bổ sung tài liệu: Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế theo mẫu kèm theo bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế.