Khi xây dựng không có giấy phép thì bị lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ; phạt tiền từ 2 đến 30 triệu đồng.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:
a) Công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính và các công trình khác theo quy định của Chính phủ được miễn giấy phép xây dựng.
b) Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
c) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư.
d) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài, kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình.
đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật và nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ sở hữu phải xin cấp giấy phép xây dựng từ cơ quan có thẩm quyền.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, việc bạn xây dựng thêm căn bếp phía sau nhà ở trên phần đất đã có sổ đỏ không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, trừ khi công trình xây dựng đó cùng với nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, trước khi khởi công xây dựng căn bếp, về nguyên tắc, bạn cần phải có giấy phép.
Theo khoản 2 Điều 10 Luật Xây dựng quy định, xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới, cốt xây dựng; không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấplà hành vi bị cấm trong hoạt động xây dựng.
Hành vi xây dựng không có giấy phép của bạn là trái với quy định của pháp luật xây dựng nên theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Xây dựng thì công trình xây dựng không có giấy phép phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP, chủ đầu tư, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (mà theo quy định phải có) thì có thể bị phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn. Phạt tiền 10-15 triệu đồng với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị. Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác ở nông thôn và đô thị.
Đồng thời, theo khoản 8 Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP, công trình xây dựng không có giấy phép bị xử lý như sau:
– Khi xây dựng không có giấy phép thì bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
– Đối với những công trình xây dựng không có giấy phép nhưng đủ điều kiện để cấp giấy phép theo quy định thì phải bị lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn nhất định. Trong trường hợp, chủ đầu tư bị từ chối cấp hoặc được cấp sau thời hạn thì bị yêu cầu tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ.
Pingback: Điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng?