Quy định mới về cấp phép xây dựng gỡ nhiều “nút thắt”

Theo thông tư hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD) mới được Bộ Xây dựng ban hành và có hiệu lực từ ngày 6-2-2013, tuyến phố trong đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp GPXD.

Đây là một trong những “nút thắt” gây ách tắc hồ sơ xin cấp GPXD, bởi theo Nghị định (NĐ) 64/CP, một trong những căn cứ để cấp GPXD là quy hoạch chi tiết được duyệt thì hầu như các địa phương đều chưa có. Khi NĐ 64/CP có hiệu lực, nhiều địa phương đã lúng túng, không biết xử lý ra sao. Có nơi thì tạm dừng chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, có nơi thì vẫn vận dụng quy định cũ hoặc căn cứ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 thay cho quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để giải quyết hồ sơ xin cấp GPXD.

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng đã có hướng dẫn, theo đó những trường hợp có thể áp dụng quy định của NĐ 64/CP để giải quyết hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền căn cứ NĐ 64 để cấp phép. Những quy định trong Quyết định 04 của UBND thành phố Hà Nội (quy trình cấp phép cũ) liên quan đến phân cấp, trách nhiệm cơ quan, cá nhân liên quan đến cấp GPXD, quản lý trật tự xây dựng và các nơi khác không trái NĐ 64 thì vẫn được áp dụng. Việc cấp phép xây dựng cần thông thoáng song phải được giám sát để tránh sai phạm.
Cuối cùng, để gỡ “nút thắt” này, thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã quy định, đối với khu vực, tuyến phố trong đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị, nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp GPXD. Như vậy, quy định này vừa tránh tình trạng thỏa thuận, xin cho tùy tiện với từng trường hợp khi cấp GPXD, đồng thời việc lập thiết kế đô thị sẽ nhanh, gọn hơn nhiều, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp GPXD của người dân.

Để làm rõ hơn, bộ hướng dẫn UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào tính chất, chức năng và yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị quy định cụ thể các khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị, đặc biệt với các tuyến phố có lộ giới từ 12m trở lên và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồ án thiết kế đô thị theo quy định hiện hành.

mau-nha-biet-thu-dep

Những khu vực, tuyến phố khác không thuộc danh mục yêu cầu phải lập đồ án thiết kế đô thị thì UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm căn cứ cấp GPXD. Lý giải thêm, Bộ Xây dựng cho biết, về nguyên tắc, một trong các căn cứ để xem xét cấp GPXD là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Tuy nhiên, do các địa phương triển khai quy định chậm, nên đến nay hầu hết đô thị chưa phủ kín quy hoạch chi tiết, chưa có thiết kế đô thị cũng như các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Do đó, để bảo đảm các điều kiện cấp GPXD, tại Nghị quyết số 83/NQ-CP (ngày 7-12-2012), Chính phủ cho phép lùi thời điểm thực hiện quy định trên đến ngày 1-7-2013. Đồng thời, yêu cầu các địa phương triển khai nhanh việc lập thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp GPXD.

Điểm gỡ thứ hai là việc ứng xử với công trình thuộc dạng nằm trong quy hoạch “treo” cũng được xem là khá thoáng và tạo điều kiện cho người dân cải tạo nhà ở của mình. Cụ thể, quy mô, chiều cao tối đa công trình để làm căn cứ cấp GPXD tạm sẽ do UBND cấp tỉnh ban hành, bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, kiến trúc cảnh quan và đáp ứng điều kiện hạ tầng kỹ thuật.

Trước đây, công trình cấp phép tạm thường bị giới hạn chiều cao không quá 3 tầng, gây rất nhiều khó khăn cho người dân, từ đó dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Ngoài ra, để tránh phiền hà, quy định cũng nêu rõ, trong trường hợp công trình theo GPXD tạm hết thời hạn tồn tại, nhưng nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch, chủ đầu tư có thể đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại. Với cơ quan thụ lý hồ sơ, phải xem xét kỹ và chỉ được thông báo một lần bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trường hợp lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan, trong thời hạn 10 ngày các cơ quan đó phải có ý kiến về các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; nếu công trình không liên quan đến điều kiện thì không phải lấy ý kiến. Với khu vực nông thôn, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu quy định khu vực lập quy hoạch nông thôn mới và khu vực phải xin phép xây dựng. Ngoài hai khu vực trên, việc xây dựng tại nông thôn sẽ không phải xin GPXD.