Nắm bắt được các quy định về hoàn công, là cơ sở rất quan trọng để các chủ công trình không bị bắt bẻ hoặc bị yêu cầu các vấn đề không có trong quy định của pháp luật về hoàn công. Thực tiễn việc hoàn công đã cho thấy không ít các trường hợp chủ công trình, vì hoàn toàn mờ mịt trong quy định về hoàn công mà mất rất nhiều thời gian và chi phí cho thủ tục này.
Hoàn công xây dựng, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với không ít những chủ nhà, chủ công trình khi thực hiện. Không phải bởi quy định quá khó, mà bởi cách quy định của thủ tục hoàn công khá dàn trải khiến cho các chủ công trình khó nắm bắt, từ đó dẫn đến việc không hiểu và thực hiện đúng được thủ tục hoàn công mà sẽ rơi vào việc bảo sao nghe vậy.
Chúng tôi muốn hạn chế thực trạng này, trước hết là bằng việc cung cấp những quy định của pháp luật về hoàn công để các bạn nắm được, hiểu được, từ đó tự tin hơn trước thủ tục này.
Quy định về thời điểm và trường hợp hoàn công:
Vấn đề này được quy định tại Luật xây dựng 2014 do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành. Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó đối với công trình không cần xin phép xây dựng thì không cần thực hiện thủ tục hoàn công.
Điều này được áp dụng đối với nhà ở xây dựng tại khu vực nông thôn mà không nằm trong trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thì mới cần xin cấp phép xây dựng.
Theo các văn bản này, hoàn công nhà ở chỉ được tiến hành khi bên thi công đã hoàn tất việc thi công nhà ở trên thực tế.
Quy định về phí của thủ tục hoàn công:
Quy định về chi phí liên quan đến thủ tục hoàn công được thể hiện trong rất nhiều văn bản pháp luật hiện hành có thể kể đến như sau.
Công văn số 3700 TCT/DNK của Tổng cục thuế, Thông tư 42/2003/TT-BTC bổ sung, sửa đổi Thông tư 96/2002/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 75/2002/NĐ-CP về điều chỉnh mức thuế môn bài do Bộ Tài chính ban hành, Thông tư 129/2008/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân và Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân…
Theo đó, có các loại chi phí cơ bản của thủ tục hoàn công bao gồm các loại thuế xây dựng cơ bản và chi phí đo đạc, kiểm tra thực tế của hồ sơ hoàn công.
Quy định về hồ sơ hoàn công:
Về hồ sơ hoàn công được quy định tại Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhà ở được ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Xây dựng. Theo đó, danh mục này bao gồm 8 loại giấy tờ cần phải đáp ứng trong thủ tục hoàn công nhà, trong đó có những loại giấy tờ cơ bản như: Giấy phép xây dựng,
Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng, Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng, Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng, Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng)…
Như vậy, quy định về hoàn công nhà ở được thể hiện chi tiết trong các văn bản pháp luật cụ thể từ Luật xây dựng cho tới các nghị định của Chính phủ và thông tư do các Bộ ban hành. Quy định khá dàn trải, bởi vậy việc nắm bắt được hết các quy định là điều không thực sự dễ dàng.
Qua bài giới thiệu trên, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ dần hình thành nên được những kiến thức cơ bản nhất về các quy định liên quan đến hoàn công nhà ở. Để biết được rằng cơ sở pháp lý của thủ tục hoàn công, hồ sơ hoàn công dựa vào đâu mà áp dụng. Từ đó là cách để chúng ta có sự thông suốt nhất khi thực hiện thủ tục hoàn công, tránh những rắc rối hoặc trở ngại từ công việc tưởng chừng như rất đơn giản này.