Chồng tôi có mua một miếng đất khoảng 350m2, đứng tên ba chồng tôi, mua giấy tay, đất thuộc diện đất trồng cây công nghiệp lâu năm chưa phải là đất thổ cư. Trên mảnh đất đó có một căn nhà tạm kích thước khoảng 40m2, ngày xưa chủ cũ đã ở, nền bằng đất lợp lá hai bên, mái tôn.
Xin hỏi tôi muốn xây dựng nhà cấp 4 để ở thì có được không? Thủ tục như thế nào? Có phải đóng tiền để chuyển mục đích sử dụng đất hay không? Trong trường hợp mua giấy tay sẽ được giải quyết thế nào? Trường hợp tôi mua tôn về lợp lại, vây tôn xung quanh để ở tạm chứ không xây nhà cấp 4, không xin phép sửa chữa liệu có bị vi phạm hay không?
Trả lời:
Về việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo thư trình bày, thửa đất khoảng 350m2 do ba chồng của bà mua bằng giấy tay, thuộc loại đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, trước đây người chủ cũ đã làm một ngôi nhà tạm có diện tích 40m2, vách lá, mái tôn.
1. Về việc xây dựng nhà cấp 4 trên đất để ở.
Căn cứ Điều 19 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, đối với nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch được duyệt thì khi xây dựng nhà ở, chủ đầu tư không cần có giấy phép xây dựng.
Vì vậy, bà cần liên hệ với UBND xã để xác định thửa đất mà mình sử dụng có thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng hay không. Nếu không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng thì phải xin giấy phép xây dựng trước khi xây dựng nhà.
Căn cứ Điều 21 Nghị định 12/2009/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại nông thôn gồm có:
• Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu);
• Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao);
• Sơ đồ mặt bằng xây dựng do chủ nhà tự vẽ.
Do hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy trước khi bà tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng thì bà cần phải lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do thư không cho biết thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng cho biết mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, qua yếu tố này luật sư suy đoán chủ cũ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, cần tham khảo một số trường hợp sau:
– Trường hợp nhận chuyển nhượng đất trước ngày 1-7-2004 và chủ cũ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi chuyển nhượng các bên lập hợp đồng chuyển nhượng, có chữ ký của các bên (không cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trên hợp đồng), thì bà có thể lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng cho một phần đất nông nghiệp thành đất ở với tên của bố chồng của bà mà không cần phải làm lại thủ tục sang nhượng từ chủ cũ tại cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy hoạch tại khu vực có thửa đất để xem xét chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Nếu thời điểm sang nhượng đất sau ngày 1-7-2004 và chủ cũ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì các bên phải lập lại thủ tục sang nhượng đất tại cơ quan có thẩm quyền để nơi đây chứng nhận hợp đồng sang nhượng đất giữa hai bên, và bà tiếp tục thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
2. Về việc sửa lại căn nhà theo hiện trạng cũ.
Do luật không quy định cụ thể về trường hợp này, do đó, theo kinh nghiệm của luật sư, bà nên liên hệ với UBND xã để trao đổi về việc sửa chữa căn nhà tạm nêu trên và làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương nơi đây.